Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

HO CHI MIN CHU TRUONG DA AM SAT NHAN TAI CUA DAN TOC TA

Trở lại với câu chuyện cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ thường hay xưng mình là một nhà cách mạng công khai (un révolutionnaire ouvert) trong quan hệ với người Pháp.

Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần mời ra Hà Nội giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ trong Chính phủ Liên hiệp ra mắt ngày 2/3/1946.

Nhận xét về thành phần chính phủ liên hiệp lúc bấy giờ, Nghiêm Kế Tổ đã viết rằng:
“Nhìn qua thành phần chính phủ cải tổ, về hình thức thì hoàn toàn đoàn kết nhưng bên trong khác hẳn. Cụ Nguyễn Hải Thần già yếu nhu nhược, giữ ghế Phó chủ tịch làm gì. Địa vị Ngoại trưởng của Nguyễn Tường Tam, nào có ngoại giao gì đâu, ngoại giao với Pháp thì đường lối chính đã do Việt Minh vạch sẵn rồi, chỉ còn có ngoại giao với Trung Hoa thì cái thế anh em nhà của Nguyễn ngoại trưởng với Lư Hán, Tiêu Văn lại là một điều lợi cho Việt Minh quá. Về Nội vụ, cụ già Huỳnh Thúc Kháng chỉ còn dư gân sức ký những sắc lệnh đã được thảo sẵn. Riêng bộ Quốc phòng của Phan Anh thì chỉ làm nhiệm vụ kiến quân, dưỡng quân và huấn quân, còn việc dụng quân lại thuộc Võ Nguyên Giáp...” [59]
Độc giả nên chú ý đến câu cuối của Nghiêm Kế Tổ, bởi vì chính Võ Nguyên Giáp đã sử dụng quân đội trong việc đánh phá các chiến khu của Quốc Dân Đảng trong nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ và dùng võ lực để tiêu diệt các lực lượng đối kháng tại Hà Nội điển hình qua vụ phố Ôn Như Hầu và cầu Chiêm Sơn mà chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng không có kinh nghiệm về Việt Minh, lại không có kinh nghiệm hoạt động chính trị đảng phái nên sau khi Võ Nguyên Giáp dàn dựng ra vụ Ôn Như Hầu và mời đến chứng kiến với tư cách bộ trưởng Nội vụ, cụ đã cực lực lên án rằng: “Không ngờ bên Việt Quốc lại có những hành động quá tàn ác như thế!” rồi sau đó, ngày 14/7/1946 với cương vị quyền Chủ tịch nhà nước, cụ Huỳnh ký nghị định trừng trị VNQDĐ [60].

Trước khi sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh đã viết cho Huỳnh Thúc Kháng tấm thiệp trong đó có sáu chữ Hán “Dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không biến đổi để ứng phó với vạn cái biến đổi), mục đích là trói tay không cho cụ Huỳnh tiến hành một công việc nào đó khả dĩ làm hư các công tác khác của Việt Minh trong khi họ Hồ đi xa.

Hồ quả thật nham hiểm tột độ, sắp đặt mọi công tác cho đàn em tiến hành, đúng như ông trả lời Tướng Salan tháng 5 năm 1946: “Giáp hoàn toàn tận tuỵ với tôi. Ông ta tồn tại được vì nhờ tôi nâng đỡ. Ông ta cũng như những người khác không làm gì được nếu không có tôi. Tôi là người cha của cách mạng.” [61]

Khi được Hồ Chí Minh cho về Quảng Nam, Huỳnh Thúc Kháng đau nặng nhưng không dám về quê Tiên Phước mà đi thẳng vào Quảng Ngãi, chết ở đó vì dư luận Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ ở Quảng Nam rất sôi sục về hành động của cụ qua biến cố Ôn Như Hầu. Có người nêu nghi vấn là trước khi mất cụ Huỳnh dặn người nhà “chôn sấp” nghĩa là đặt thi thể cụ nằm úp mặt xuống đất nhưng người nhà thấy tội nghiệp quá, không đành làm như vậy.[62] Nhiều nghi án về cái chết của cụ Huỳnh còn ghi lại trong đó Minh Vũ Hồ Văn Châm cho rằng “Theo tiết lộ của cán bộ cộng sản Hoàng Mạnh Đức, Trưởng ban Huấn luyện Quân báo Liên khu 5, thì Huỳnh Thúc Kháng, sau khi đóng trọn vai trò bù nhìn bung xung, đã được cộng sản đưa về Quảng Ngãi dưỡng bệnh rồi chích thuốc thủ tiêu để diệt khẩu vào năm 1947.” [63]

Chính sách của Cộng sản là trở mặt sau khi đã đạt tới mục tiêu. Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Liên hiệp để tạm yên lòng các chính đảng quốc gia, cần có Quốc hội đoàn kết nên đã đành lòng chịu nhường cho Quốc Dân Đảng 50 ghế và phe Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) 20 ghế, giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương, nhưng sau khi lực lượng quân sự của Trung Hoa kéo về nước, và sau khi đã đạt được thoả hiệp với người Pháp qua hiệp ước sơ bộ 6 tháng 3, đã đến lúc Việt Minh không cần khoác bộ áo quốc gia dân tộc nữa thì họ quay ra dứt điểm các thành phần bất đồng chính kiến với họ nhất là các đảng phái quốc gia đang sách động dân chúng yêu nước tố giác tội ác bán nước của họ. Một người như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi xét thấy không cần dùng nữa thì Việt Minh thủ tiêu, với CS đó là chuyện bình thường, bởi vì “được chim bẻ ná, được cá đá lờ”.

Tác giả Nghiêm Văn Thạch có lẽ đã nhận định đúng về Huỳnh Thúc Kháng: “Sau cùng, lệnh đàn áp đã đến từ Huỳnh Thúc Kháng, một ông đồ nho lẩm cẩm hoàn toàn do đảng cộng sản khống chế. Tôi thành thật không hiểu vì sao người ta vẫn còn dành cho ông sự kính trọng nào đó. Thật ra ông chẳng có một kiến thức hay một lý luận nào đáng kể. Việc làm duy nhất của ông là đã đặt bút ký lệnh phát động một đợt đàn áp đẫm máu mà những người yêu nước chân chính đã là nạn nhân. Ông không biết gì và cũng không có ác ý, ông chỉ là một công cụ ngoan ngoãn và ngây ngô trong tay đảng cộng sản mà thôi.” [64]

Nếu vụ án Ôn Như Hầu tại Hà Nội là đòn của Việt Minh đánh vào bộ phận tuyên huấn của Quốc Dân Đảng Việt Nam thì vụ án cầu Chiêm Sơn cuối năm 1946 nhằm chủ đích đánh vào các thành phần nòng cốt lãnh đạo của đảng phái quốc gia tại Miền Trung Trung Bộ, nơi mà Cộng Sản tuy có được chính quyền nhưng hơn một nửa quần chúng đã nghiêng về phía Quốc Dân Đảng VN.

Trước đó, từ năm 1942, Đại Việt Quốc Dân Đảng tại Phú Yên đã từng lãnh đạo 20,000 nông dân chống Công ty Đường Trung Kỳ (Société Sucrière d’Annam) của liên doanh tư bản Pháp – Hoà Lan chứng tỏ ảnh hưởng của Đại Việt còn rất sâu đậm trong dân chúng nông thôn. [65]

Tại Quảng Nam, cũng do sự xông xáo của Phan Kích Nam (tức Phan Xuân Thiện) mà hoạt động của Quốc Dân Đảng VN bành trướng mau lẹ với các cán bộ lãnh đạo kiên cường của như Trương Phước Tường, Phan Bá Lân, Hoàng Tăng (Hoàng Bình), Huỳnh Hoà, Phan Ngô, Nguyễn Đình Thiệp từ cuối năm 1945 đã xây dựng được cơ sở vững mạnh trong quần chúng. Nhiều nơi Uỷ Ban Hành Chính Xã nằm trong tay cán bộ Quốc Dân Đảng nên các mệnh lệnh của chính quyền CS không được thi hành thậm chí các cuộc quyên góp cũng bị thất bại. Chính vì vậy, Tổng bộ Việt Minh cùng với Xứ Uỷ Trung Việt Trần Hữu Dực, kết hợp với Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu quyết định đàn áp Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam để bảo tồn địa vị của họ.

Trong cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Hoàng Văn Đào cho biết:
“Ty công an CS Quảng Nam do Huỳnh Lắm, Trịnh Quang Xuân cầm đầu nhận lệnh của thượng cấp bố trí công việc đàn áp theo một kế hoạch chung. Trước hết ngầm vận động tên Nguyễn Phúc, tục gọi là Phó Đảnh làm nghề thợ rèn, nhà ở gầm cầu Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.

Rồi một đêm vào hạ tuần tháng 7.1946, khi chuyến xe lửa chở binh sĩ tiếp viện cho mặt trận Nam bộ chạy đến cầu Chiêm Sơn, bỗng dưng ngừng lại, vì thấy có lửa đốt ra hiệu báo nguy. Tưởng là có người bị nạn, nhưng xuống xem, thời lại thấy có người đương tháo đinh bù loong ở dưới gầm cầu; đó là theo lời khai của tài xế trên chuyến xe lửa ấy.

Rồi ngay ngày hôm sau, Phó Đảnh cùng đứa con trai của y 15 tuổi, được ty công an đòi đến. Vì đã có sự dỗ dành mua chuộc với giá cả xong xuôi, bắt ép Phó Đảnh phải khai là những đảng viên VNQDĐ do Phan Bá Lân tổ chức với y phá cầu Chiêm Sơn, để cướp khí giới của đoàn quân đi Nam bộ, đặng có số khí giới cướp chính quyền tỉnh Quảng Nam. Kế tiếp công an CS lại đọc thêm từng tên khác, buộc Phó Đảnh phải ký cung. Nắm được tờ cung khai của Phó Đảnh, công an ra lệnh lùng bắt Phan Bá Lân, Huỳnh Hoà, Phan Ngô và một số đảng viên khác đem về giam, rồi dùng cực hình tra tấn dã man tàn ác hơn cả mật thám thời Pháp thuộc, bắt buộc phải nhận những điều hoàn toàn bịa đặt... Phó Đảnh khi thấy những người mà mình bắt buộc phải khai ra để được lãnh một số tiền thưởng, không ngờ chính mắt y thấy những người ấy lại bị tra tấn quá dã man, mà y cũng không được thả ra, y quay lại hối hận, rồi xé áo dùng làm giây treo cổ tự tử trong phòng xí; còn đứa con của y, vì biết rõ âm mưu ấy, CS thấy không thể tha được nữa, buộc lòng đem đập cho hết luôn!” [66]
Sau vụ án này, CS mở một màn đại khủng bố nhằm vào các cơ sở của Quốc Dân Đảng tại các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc, Hoà Vang, Thăng Bình, Tiên Phước, bắt bớ rất nhiều cán bộ Việt Quốc đem lên giam ở Nghi Hạ, Trà Linh khiến đa số chết vì suy dinh dưỡng, lao động cực nhọc, thiếu quần áo, thuốc men và vì lam sơn chướng khí. Các cán bộ lãnh đạo nòng cốt của Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam đã kiên cường phủ nhận tất cả những điều cáo buộc phi lý của CS mặc dù bị bắt giam, đánh đập tàn nhẫn. Hai câu đối sau đây do một đảng viên Việt Quốc quê ở Duy Xuyên vốn bị giam ở trại Trà Linh, và đã chết sau đó mấy tháng, đã tức cảnh sinh tình phản ảnh khá đầy đủ sự đầy đoạ vô nhân đạo mà các chiến sĩ chính đảng quốc gia phải chịu đựng dưới bàn tay độc ác bất nhân của Cộng Sản:
“Trăng hai tròn xác chết đã năm thây, mượn đất Trà Linh chôn sấp ngửa;
Chiếu một manh kẹp tre thêm bảy tấm, gọi hồn Tổ Quốc chứng ngay gian.”
Tại Quảng Bình, cụ Tú Xương làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Quốc Dân Đảng Việt Nam được hơn một tháng thì bị Công an CS bắt cóc, rồi bỏ bao bố thả xuống sông, theo giòng sông Nhật Lệ trôi về trước mặt thành phố Đà Nẵng [67].

Tiếp sau vụ cầu Chiêm Sơn, công an Quảng Ngãi đã điều động lực lượng truy lùng các cán bộ nòng cốt của Mặt Trận Quốc Dân Đảng và bắt được các ông Nguyễn Hoàng, Phạm Đình Nghị, Trần Cừ, Võ Đình Yên, Trần Giám, chỉ có Phan Quang Bổng là may mắn chạy thoát. Tại Bình Định, công an đã bắt giam rồi xử tử hình Nguyễn Hữu Lộc, Đoàn Đức Thoan, Võ Minh Vinh, riêng hai chú cháu Tạ Chương Phùng, Tạ Chí Diệp ra biển kịp thời vượt thoát vào Nam. Tại Phú Yên, tổ đình của Đại Việt Quốc Dân Đảng, Mặt Trận Quốc Dân Đảng cũng bị đàn áp khốc liệt, Tinh Hoa Thư Quán bị lục soát và phong toả, các cán bộ lãnh đạo như Trương Soạn, Huỳnh Anh, Trương Dụng Quyền, Phan Dùng, Huỳnh Tất, Trương Lịnh, Trương Ký nhất loạt bị bắt giam và rồi bị thủ tiêu.

Sau các vụ án đẫm máu phố Ôn Như Hầu rồi vụ cầu Chiêm Sơn dẫn đến biết bao cái chết bí mật, bi thảm có, công khai, rùng rợn có của các đảng viên, cán bộ trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng, ông Bùi Diễm đã có những ghi nhận về hình ảnh và dấu tích của Đảng Trưởng Đại Việt trong tập hồi ký của mình:
“Vào mùa thu 1946, trong khi cả hai bên Pháp và Việt đang ráo riết sửa soạn chiến tranh thì nhiều bạn tôi trong đảng Đại Việt và những đảng phái quốc gia khác đều tìm cách lẩn trốn. Mỗi khi liên lạc lại được với nhau, thì câu hỏi đầu tiên là ai còn, ai mất, và ai là những người còn mà không thể ra mặt được? Mạng lưới công an của Việt Minh bao trùm lên cả nước.

Giữa lúc nguy kịch như vậy, ông Trương Tử Anh vẫn cố gắng không để lộ vẻ lo lắng và ngoài mặt ông vẫn bình tĩnh. Tôi vẫn được gặp ông và tin rằng dầu sao ông cũng tìm được cách giải quyết mọi sự khó khăn. Tuy ông không nói rõ cho tôi, nhưng tôi có cảm tưởng là ông đang lo di chuyển một số cán bộ vào Nam vì ở đó Việt Minh chưa hoàn toàn thao túng được. Ngoài ra, ông cũng nghĩ đến cách tăng cường những hoạt động ở ngoại quốc. Một hôm ông hỏi tôi có muốn sang Hồng Kông để hoạt động với cụ Kim không? Không hiểu vì tôi muốn ở gần ông trong những lúc ấy, hay linh tính bảo tôi từ chối, tôi viện lẽ là ở bên ngoài đã có anh Đặng Văn Sung và Đỗ Đình Đạo, để xin ông cho ở lại trong nước. Rồi ngày có ngày không, tôi vẫn gặp ông để nhận chỉ thị và tiếp tục hoạt động.

Vào khoảng đầu tháng 12, 1946, tình hình chung càng ngày càng khẩn trương như chỉ chờ dịp bùng nổ. Một hôm đúng như lời hẹn, tôi tới nơi đã được chọn để gặp ông Trương Tử Anh trên đường Cổ Ngư gần hồ Trúc Bạch, nhưng chờ mãi mà không thấy bóng dáng ông đâu cả. Đã mấy lần trước, ông không đến được chỗ hẹn, nhưng bao giờ cũng nhắn cho tôi biết tin ngay. Lần này thì khác hẳn. Tôi đợi suốt hai tiếng đồng hồ, càng đợi càng sốt ruột, nhưng rồi cũng phải bỏ đi vì sợ chính mình cũng rơi vào bẫy của Cộng Sản. Ngày hôm sau, anh Nguyễn Tất Ứng cho biết là anh cũng có hẹn với ông mà không được gặp. Ông Trương Tử Anh, hay là Anh Cả Phương đối với một số người trong chúng tôi, từ đó tuyệt tích.” [68]
Trương Tử Anh, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh đều là những nhân vật lịch sử, nhưng mỗi người một phong cách, biểu lộ một thiên hướng khác nhau. Vũ Hồng Khanh là một nhà cách mạng thiên hướng bạo động, tướng đi như hổ, hiếu sát, về già râu tóc như sư tử, không phải là lãnh tụ chính trị. Nguyễn Tường Tam vốn cốt cách nhà văn, nhà nghệ sĩ, được nhà thơ Vũ Hoàng Chương ví như hoàng hạc [69], thiếu kiên nhẫn nên chính trường không phải là đất dụng võ của mình. Trương Tử Anh có năng khiếu là một lãnh tụ chính trị, tư tưởng gia, nghe nhiều hơn nói, bản lãnh, đảm lược, biết nhìn xa trông rộng nhưng tiếc thay không có thời, hay nói rõ hơn thời không đợi ông ta. Với việc Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài ngày 17 tháng 6 năm 1930, và Trương Tử Anh thất tung sau ngày 19/12/1946, Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A bị Việt Minh sát hại cũng trong năm 1946, chính đảng quốc gia Việt Nam nói chung không còn lãnh tụ theo nghĩa đích thực xứng đáng với tầm vóc của danh từ này. Và một trang sử đấu tranh hào hùng của các bậc tiên liệt dân tộc đã được lật qua...
*

Hơn sáu mươi năm về trước, chính sách của chế độ CS đối với các thành phần bất đồng chính kiến, các chính đảng quốc gia đó là sử dụng gian trá đi đôi với bạo lực nhằm khống chế và tiêu diệt các đối thủ chính trị. Thời điểm đó thiếu thốn các phương tiện truyền thông nên dư luận dân chúng dễ bị tuyên truyền, đầu độc và nhất là dân chúng chưa có kinh nghiệm về CS, chưa hiểu được bộ mặt gian trá, xảo quyệt của Cộng Sản, cho nên nhiều người bị lừa bịp, nhắm mắt nghe theo Cộng Sản. Ngày nay, dân trí đã cao, dân tình đã đổi khác sáng suốt bình tĩnh hơn, các phương tiện truyền thông đạt tới trình độ siêu đẳng về số lượng sử dụng và vận tốc nhanh chóng vô lường cho nên bất cứ một âm mưu xảo quyệt nào của chính quyền Cộng Sản áp dụng hòng chụp mũ, bôi nhọ, xuyên tạc – như bọn chúng đã cắt bớt lời nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trước Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ngày 20.9.2008 rồi mặc sức vu khống cho Ngài, làm tình làm tội đủ điều – thì hành vi bỉ ổi đó liền bị dư luận công chính trong nước và trên thế giới phanh phui và lột mặt nạ ngay lập tức. Ghi lại các biến cố dưới hình thức viết hồi ký, hồi ức cũng với luận điệu xuyên tạc sự thật trắng trợn, cũ mèm, lời lẽ đầy hận thù, trịch thượng, nhơ bẩn, lưu manh như sách của Võ Nguyên Giáp, của Lê Hữu Qua hay thậm chí như của Dư Văn Chất, về vụ án phố Ôn Như Hầu hay vụ cầu Chiêm Sơn chẳng hạn, ngày nay không lừa bịp được ai, lại có tác dụng “gậy ông đập lưng ông” đối với chế độ bất nhân Cộng Sản mà ai cũng oán ghét và lên án.

Bài viết này ghi lại lịch sử tháng bảy đen năm 1946 đầy đau thương, uất hận qua hai biến cố nói trên, nghĩ rằng vẫn còn một số mặt hạn chế, xin được xem là một nén tâm hương tưởng niệm hàng chục ngàn [70] những anh hùng hữu danh hoặc vô danh thuộc các đảng phái quốc gia, tôn giáo cùng những người bất đồng chính kiến với đường lối Việt Minh, đã tiên phong hy sinh trong công cuộc chiến đấu cao cả chống lại chế độ bạo tàn Cộng Sản ngay từ giai đoạn 1945 46 vì lý tưởng Tự do, Dân chủ cho Đất nước và Dân tộc.
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 15/12/2008

Không có nhận xét nào: